Độc giả nêu câu hỏi:

Thưa luật sư của TDV law , Tôi đã tìm hiểu và được biết loại hình công ty TNHH MTV khá giống với loại hình doanh nghiệp tư nhân (DNTN) có điều nó lại có tư cách pháp nhân, ít rủi ro hơn loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) và cũng có nhiều ưu điểm hơn. Nhưng thực tế hiện nay vẫn còn tồn tại DNTN và pháp luật vẫn có quy định về loại hình này.
Vậy tôi muốn hỏi loại hình DNTN này có ưu điểm gì thật sự nổi bật và đáng chú ý không và những đối tượng nào nên thành lập DNTN?


Giải quyết vấn đề

Cảm ơn bạn đã gửi cho chúng tôi 1 câu hỏi hết sức sâu sắc. Về các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp tư nhân mà bạn hỏi, chúng tôi xin trả lời như sau

1. Ưu điểm nổi bật của loại hình DNTN

- Căn cứ theo Điều 183 luật doanh nghiệp 2014 quy định chung về doanh nghiệp tư nhân như sau
"1. DNTN là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
2. DNTN không được phát hành bất kỳ một loại chứng khoán nào.
3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, là thành viên của công ty hợp danh.
4. DNTN không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần."

- Về việc quản lý doanh nghiệp căn cứ theo Khoản 1 Điều 185 luật này quy định
 "Chủ DNTN có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật."

Như vậy, theo như những quy định trên của pháp luật về doanh nghiệp tư nhân, ta có thể thấy được những ưu điểm nổi bật của loại hình doanh nghiệp như sau:

- Do chỉ có một cá nhân làm chủ nên doanh nghiệp tư nhân có quyền chủ động hoàn toàn trong việc quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động doanh nghiệp của mình
- Cơ cấu tổ chức đơn giản, gọn nhẹ vì toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp thuộc quyền quyết định của chính chủ doanh nghiệp.
- Chế độ trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tạo sự tin tưởng cho đối tác và khách hàng của doanh nghiệp, thu hút hợp tác kinh doanh. Đây là một điểm khác biệt lớn giữa doanh nghiệp tư nhân và các loại hình doanh nghiệp khác.
- Chủ thể doanh nghiệp có toàn quyền quyết định đối với việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. Nói cách khác , chủ doanh nghiệp có quyền sở hữu toàn bộ lợi nhuận của doanh nghiệp,mà không phải chia sẻ lợi nhuận này cho bất kỳ ai khác trong doanh nghiệp như các loại hình doanh nghiệp khác ngoại trừ việc trả lương cho nhân viên, nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác

2. Những đối tượng nên thành lập doanh nghiệp tư nhân

- Không thuộc đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp theo Khoản 2 Điều 18 của luật này
- Sở hữu số tài sản nhất định đủ để thành lập doanh nghiệp tư nhân và hoạt động trên thị trường.(tùy theo pháp luật quy định  một số ngành nghề cần có vốn pháp định)
- Phạm vi mô hình kinh doanh nhỏ, hoạt động đơn giản, gọn nhẹ.
- Chủ doanh nghiệp muốn tự mình điều hành doanh nghiệp và quyết định toàn bộ số lợi nhuận của doanh nghiệp đó

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Nếu quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc có sự thắc mắc nào, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào khác bạn có thể trao đổi trực tiếp với luật sư của TDV Law chúng tôi để được hỗ trợ thêm.